Việt Nam là quốc gia có nền Phật giáo lâu đời. Nghiên cứu cho thấy, Phật giáo xuất hiện ở nước ta từ những năm công nguyên, phát triển mạnh mẽ thời Lý- Trần và bắt đầu từ suy thoái từ triều Lê Sơ. Trải qua các biến đổi thăng trầm của thời đại với sự giao thoa, du nhập tôn giáo khác, Phật giáo vẫn tồn tại như một tôn giáo chính và ngày một được chấn hưng với những triết lý chân-thiện-mỹ cho đời.

Cùng với sự phát triển của Phật giáo là các công trình chùa chiền được xây dựng. Chùa là trung tâm phát triển tâm linh, trước là thờ Phật, sau là nơi tu học nhằm cứu độ chúng sinh muôn loài.

Chùa ở Việt Nam qua mỗi triều đại, mỗi thời kỳ đều có kiến trúc đặc sắc, thể hiện trình độ, quan niệm, văn hoá của triều đại, thời kỳ đó.

Dưới đây là những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam với kiến trúc tiêu biểu và ý nghĩa tâm linh sâu xa.

1.Chùa Dâu

Ngôi chùa cổ nhất phải kể đến chùa Dâu. Chùa Dâu còn có tên gọi là Pháp Vân, Diên Ứng… được khởi công xây dựng năm 187 và hoàn thành năm 226. Đây là ngôi chùa lâu đời nhất và gắn liền với lịch sử văn hóa, Phật giáo Việt Nam, vì vậy năm 1962, chùa được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử.
Ngôi chùa là nơi khởi nguồn tín ngưỡng thờ Tứ pháp – bốn vị nữ thần tương ứng với các hiện tượng mây, gió, sấm, chớp- là biểu tượng cho sự giao thoa giữa phật giáo Ấn Độ và tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Chùa Dâu từ trên cao nhìn xuống


Điểm đặc sắc của chùa Dâu phải nói đến Pháp Hoà Phong. Tháp Hoà Phong được xây dựng hoàn toàn từ gạch nung cổ, cao 17m.
Dưới thời Trần, ngôi chùa được tu bổ thành trăm gian, tháp Hoà Phong thời bấy giờ được xây dựng với 9 tầng. Qua biến đổi thăng trầm thời gian và lịch sử, đến nay tháp chỉ còn lại 3 tầng, kiến trúc nhà Trần chỉ còn lại số ít bằng một vài mảng ở trung điện, đa phần kiến trúc hiện diện bây giờ là dấu tích thời Lê Trung Hưng để lại.

Nhà Thượng điện chùa Dâu là nơi đặt tượng Pháp Vân- một trong hệ thống tượng Tứ pháp vùng Dâu -Luy Lâu được công nhận là Bảo vật quốc gia. Bức tượng cao gần 2m, khắc tạc dáng vẻ uy nghi, trầm mặc mà từ bi, rộng lượng, đôn hậu của cội nguồn Tây Trúc với gương mặt đẹp và nốt chấm lớn giữa hai đầu lông mày.

2. Chùa Tây Phương

Chùa Tây Phương có tên chữ là Sùng Phúc Lạc, toạ lạc trên đỉnh đồi Câu Lâu, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội ngày nay.

Chùa Tây Phương được bao phủ bởi rừng cây xanh mát

Chứng tích để lại cho thấy, chùa được xây dựng vào thời Mạc Phúc Nguyên (1547 – 1561). Và được cải tạo, sữa chữa, trùng tu dưới các thời vua Lê Thần Tông, Chúa Tây Vương Trịnh Tạc, Vua Lê Hy Tông để có kiến trúc như ngày hôm nay.

Chùa Tây Phương không chỉ hấp dẫn du khách qua truyền thuyết, lịch sử, ý nghĩa chứa đựng mà còn bởi kiến trúc độc đáo của ngôi chùa.

Chùa Tây Phương gồm ba nếp chùa, đặt song song với nhau theo hình chữ Tam- lối sắp xếp thường thấy ở cấu trúc chùa Việt Nam, được xây dựng giữa quang cảnh thiên nhiên trù phú, núi non sông nước hữu tình. Tương truyền, Cao Biền thấy thế phong thuỷ nơi đây mà e sợ khi đem quân xâm lược nước ta.
Kiến trúc chùa là điều khiến ai đến đây cũng đều trầm trồ tán thưởng.
Diềm mái ba nếp chùa đều được trạm trổ tinh xảo. Trên mái đều được bài trí tượng đất nung thủ công và các hoạ tiết nổi như hoa, lá, rồng, phượng, được chế tác từ những đôi tay tài hoa của nghệ nhân làng nghề.
Hai lớp mái của các công trình đều được thiết kế theo kiểu “tàu đao lá mái”. Ngói lợp của chùa cũng hết sức đặc biệt cho thấy ý niệm thâm sâu.
Phần mái trên có múi in nổi hình lá đề, lớp ngói phía dưới lại có hình vuông đơn ngũ sắc giống như màu áo cà sa của các vị cao tăng.
Các hệ thống vì kèo, cột, cửa… của chùa đều được trạm trổ tinh xảo hoạ tiết uốn lượn, mềm mại, thể hiện bàn tay tài hoa và khối óc tinh anh của nghệ nhân thời đại.

18 vị La Hán chùa Tây Phương

Chùa Tây Phương sở hữu 64 pho tượng phật, thể hiện văn hoá, tín ngưỡng của người dân Việt qua nhiều giai đoạn lịch sử. Trong đó, 18 vị La Hán là những tác phẩm kinh điển về nghệ thuật điêu khắc. 18 pho tượng được trạm trổ tinh xảo vượt qua mọi chuẩn mực, trở thành bảo vật quốc gia năm 2014.

3. Chùa Trấn Quốc

Chùa Trấn Quốc là một trong tứ trấn Hà thành, là nơi linh thiêng giữ cho Thăng Long xưa và Hà Nội nay luôn được bình yên.

Chùa Trấn Quốc soi bóng hồ Tây

Chùa uy nghi, trầm mặc nằm ở một hòn đảo, soi bóng xuống hồ Tây lộng gió.
Đây từng là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long vào thời Lý-Trần với những giá trị to lớn về lịch sử và kiến trúc, tiêu biểu cho tín ngưỡng và tinh hoa văn hoá thời bấy giờ.

Chùa Trấn Quốc nổi tiếng là chốn cửa Phật linh thiêng, là điểm thu hút rất nhiều tín đồ Phật tử, khách tham quan, du lịch trong và ngoài nước.

Với kiến trúc như một đoá sen đang nở, chùa Trấn Quốc khiến ta dễ dàng liên tưởng đến đế sen dưới chân Đức Phật.
Các công trình nơi đây theo dòng thời gian được nhuốm rêu xanh phủ càng tạo nên sự trầm lắng, linh thiêng hơn.

4. Chùa Hương

Chùa Hương

Chùa Hương từ xưa đã đi vào bao câu thơ, bài hát với cảnh non nước hữu tình. Là chốn tâm linh linh thiêng bậc nhất thủ đô, mỗi dịp lễ, người người nô nức ngược dòng về đây tham quan, chiêm bái.

Chùa Hương có lịch sử từ thế kỷ 15. Ngôi chùa được xây dựng với quy mô chính vào khoảng cuối thế kỷ 17, sau đó bị hủy hoại trong chiến tranh Đông Dương năm 1947. Mãi đến năm 1989, chùa được phục dựng lại bởi Hòa thượng Thích Viên Thành dưới sự chỉ dạy của cố Hoà thượng Thích Thanh Chân.

Bến Đục

Muốn vào được chùa Hương, bạn sẽ đi qua một lộ trình khá thú vị, xuống thuyền ở bến Đục, đi dọc theo con suối Yến, ghé qua đền Trình, sau đến Thiên Trù. Ngồi thuyền đến đây là quãng thời gian để bạn đắm chìm vào cảnh sắc nước non mây trời, nhất là tiết trời đầu xuân, phảng phất mùi hương trầm lắng khiến tâm hồn trở nên an yên, tĩnh lặng.
Chùa Hương không chỉ là một ngôi chùa mà còn là tên gọi chung cho quần thể văn hóa và tôn giáo bao gồm hàng chục ngôi chùa, đền, đình linh thiêng khác như chùa Thiên Trù, đền Trình, chùa Giải Oan… Trung tâm của quần thể này là chùa Hương, nằm trong động Hương Tích hay còn được gọi là chùa Trong. Mỗi đền, chùa trong quần thể này sẽ có tín ngưỡng thờ cúng khác nhau, ví dụ như Động Hương Tích thờ tượng Phật Bà Quan Âm, đền Trình thờ thần tướng Quan Tư Mã Hùng Lang, đền chúa Võng thờ bà chúa Rừng…

Là mộ quần thể danh thắng, Chùa Hương sở hữu nhiều địa điểm, thắng cảnh có không gian đẹp cho du khách trải nghiệm.
Bến Đục với hệ thống thuyền chèo nên thơ, suối Yến đẹp như tranh với những rặng cây xanh non tươi mát, Động Vân Long, Động Hương Tích với ánh nhũ thiên nhiên và những truyền thuyết ly kỳ, và những ngôi chùa, đền soi bóng nước…

Điện chính chùa Hương

5. Chùa Thầy

Chùa Thầy cùng với chùa Hương, chùa Tây Phương là 3 ngôi chùa cổ kính, linh thiêng nhất Hà Nội song ,đây là ngôi chùa đặc biệt bởi không có tam quan, nghi môn.

Góc nhìn chùa Thầy từ trên cao

Ta biêt rằng Chùa Láng gắn liền với giai đoạn đầu của cuộc đời Từ Đạo Hạnh, còn giai đoạn sau thế nào? Chùa Thầy chính là nơi ngài lựa chọn cho quãng đời sau cùng cho đến ngày thoát xác.
Nằm trong vị thế đắc địa của cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc chùa đã biết tận dụng địa thế đẹp hiếm có của một vùng núi đá vôi nổi lên giữa vùng đồng bằng để tạo dựng lên một không gian phật giáo linh thiêng mà vẫn gần gũi với làng xóm thôn quê. Biết tận dụng vị trí nằm gọn dưới chân núi, kết hợp với thế uốn cong ngang sang hai bên của hai nhà cầu cùng việc nâng độ cao của các lớp nhà tăng dần, vươn theo thế núi đã tạo cho kiến trúc một vẻ đồ sộ bề thế hơn thực tế. 

Hồ Long Trì

Hồ Long Trì là một thắng cảnh tuyệt đẹp nơi đây. Ở giữa hồ xây thủy đình cổ kính được ví như viên ngọc trong miệng rồng thiêng, nằm tĩnh lặng trên mặt hồ trong xanh, êm ả.
Các toà điện trong kết cấu ngôi chùa đều được chạm trổ, điêu khắc tinh xảo, mái lợp ngói hài tạo nên vẻ đẹp hài hoà và trầm lắng.

Để lột tả hết vẻ đẹp và sự linh thiêng của những ngôi chùa này trên một trang viết là không thể hết. Hãy xách ba lo lên và đi để trải nghiệm bạn nhé!



ByThu Ha

Zalo
Điện thoại
Tin nhắn
Tin nhắn
Điện thoại