Côn Sơn-Kiếp Bạc là quần thể di tích quốc gia đặc biệt. Dưới thời Trần thuộc huyện Phượng Sơn, lộ Lạng Giang, thời Lê đổi thành huyện Phượng Nhỡn, thuộc thừa tuyên Bắc Giang, sau là trấn Kinh Bắc. Ngày nay, khu di tích này thuộc về thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
Sách Cao Biền di cáo và Chí Linh phong vật ghi chép rằng: Côn Sơn, Kiếp Bạc mạch tự Huyền Định, thế ngăn Đông Bắc, bốn phương quy phục, núi sông kỳ hình kỳ dạng, long bản, hổ cứ, như muôn quân nghìn tượng chầu về.
Nơi đây là vùng đất lịch sử còn mãi âm vang những chiến công lẫy lừng trong ba lần quân dân nhà Trần đánh thắng quân xâm lược Mông Nguyên thế kỷ XIII và 10 năm hoạt động của nghĩa quân Lam Sơn chống quân Minh ở thế kỷ XV. Đây cũng là nơi gắn liền với thân thế, sự nghiệp của các vị anh hùng dân tộc như: Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo cùng nhiều danh nhân văn hoá của dân tộc: Trần Nguyên Đán, Pháp Loa, Huyền Quang… Đồng thời cũng là khu di tích tiêu biểu kết tinh tư tưởng Tam giáo đồng nguyên: Phật giáo, đạo giáo, nho giáo cùng hòa đồng; mục đích là quy tụ nhân tâm, lấy thân quyền phục vụ cho vương quyền, củng cố tư tưởng độc lập tự chủ của dân tộc
Côn Sơn-Kiếp Bạc có gì hấp dẫn du khách?
Côn Sơn
Nhắc đến Côn Sơn, đầu tiên phải kể đến chùa Côn Sơn. Chùa Côn Sơn là công trình Phật giáo đã có từ thời nhà Đinh, nằm tọa lạc dưới chân núi Côn Sơn.Chùa có tên chữ là “Thiên Tư Phúc Tự”, nghĩa là chùa được trời ban cho phước lành.
Tương truyền rằng, đây là nơi Đinh Bộ Lĩnh hun gỗ làm than, dẹp loạn 12 sứ quân. Cũng với trận hoả công hun tạo khói để vây bắt Phạm Bạch Hổ thời loạn 12 sứ quân đó mà chùa Côn Sơn còn được gọi là chùa Hun.
Dưới thời Trần, chùa Côn Sơn là một trong ba trung tâm của thiền phái Trúc Lâm cùng chùa Yên Tử và chùa Quỳnh Lâm. Chùa cũng từng là nơi Thiền sư Huyền Quang – vị tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm tu hành và phát triển đạo giáo mạnh mẽ.
Vào đời Lê, chùa được trùng tu và mở rộng rất nguy nga đồ sộ. Trải qua những biến đổi thăng trầm về lịch sử và thời gian, chùa Côn Sơn ngày nay chỉ còn là một ngôi chùa nhỏ ẩn mình dưới tán lá xanh của các cây cổ thụ song vẫn lưu giữ vô số những cổ vật, dấu tích quan trọng của lịch sử nước nhà.
Kiến trúc chùa được xây theo kiểu chữ công bao gồm Tiền đường, Thiêu lương, Thượng điện, nhà thờ Tổ. Đường vào Tam quan lát gạch, chạy dài dưới hàng thông trăm năm xen lẫn những tán vải thiều xum xuê xanh thẫm mang đến vẻ thâm trầm, tĩnh mịch.
Từ chùa Côn Sơn leo khoảng 600 bậc đá là đến đỉnh núi Côn Sơn. Đỉnh Côn Sơn là một khu đất bằng phẳng, tại đây có một phiến đá khá rộng, tục gọi là Bàn Cờ Tiên.
Hiện nay Bàn Cờ Tiên có dựng nhà bia theo kiểu Vọng Lâu đình, hai tầng cổ các tám mái. Đứng từ đây, du khách có thể nhìn bao quát cả một vùng rộng lớn với địa hình đồi núi linh thiêng với những rừng cây uy nghi sừng sững. Núi Côn Sơn cảnh vật tốt tươi, “sắc ngàn ráng đỏ, rừng gấm cuốn, cỏ lụa giăng”, chùa chiền thâm trầm, u tịch mà uy nghiêm, non nước hữu tình, thành miền thắng cảnh làm say đắm hồn người. Cũng chính vì lẽ đó mà tại đây, Huyền Quang đã viết kinh, thuyết pháp, làm thơ; Trần Nguyên Đán nghiên cứu Nông Lịch và viết Băng Hồ Ngọc các tập, Nguyễn Phi Khanh viết Thanh Hư Động ký và Nguyễn Trãi đã viết Côn Sơn ca cùng nhiều thi ca xứng là kiệt tác. Côn Sơn cũng là cái nôi cho Nguyễn Trãi ấp ủ và nuôi dưỡng cho mình một sự nghiệp nhân nghĩa sáng muôn đời, lưu danh sử sách.
Một điển tích còn lưu lại đến ngày nay đó là Thạch Bàn lớn. Thạch Bàn lớn là một tảng đá lớn, mặt phẳng và nhẵn nằm kề ven suối. Tương truyền, khi xưa Nguyễn Trãi lấy làm “chiếu thảm” nghỉ ngơi, ngắm cảnh, làm thơ và suy tư việc nước.
Côn Sơn là mảnh đất có bề dày văn hóa hiếm có. Tại đây, văn hóa Phật giáo, Nho giáo và Lão giáo cùng tồn tại và phát triển song song qua nhiều thế kỷ. Sự giao thoa này hình thành nên nền văn hóa đặc sắc mà thấm đẫm bản sắc Việt. Điều đó thể hiện qua từng họa tiết kiến trúc, chạm khắc, qua các bia đá, tượng thờ, hoành phi, câu đối… mà trong một vài câu văn không thể diễn đạt hết được.
Kiếp Bạc
Nếu Côn Sơn là chốn tổ của thiền phái Trúc Lâm thì Kiếp Bạc là nơi thờ phụng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.
Đền Kiếp Bạc tọa lạc tại một vùng thung lũng trù phú, xung quanh có dãy núi Rồng và cũng từng là nơi đóng quân của Hưng Đạo vương trong cuộc chiến chống quân Mông Nguyên.
Kiếp Bạc là địa danh lừng lẫy với chiến công của quân dân nhà Trần 3 lần chiến thắng quân Nguyên-Mông. Kiếp Bạc nằm bên Lục Đầu giang cách Côn Sơn chừng 5km. Đây là đầu mối huyết mạch giao thông thủy bộ, trấn giữ cửa ngõ phía Đông kinh thành Thăng Long xưa. Có thể nói, nơi đây trời bày, đất dựng, đắc địa về phong thủy, hình thế hiểm yếu về quân sự, có tứ linh quần tụ, chung đúc khí thiêng. Cũng bởi địa thế như vậy nên nơi đây được Hưng Đạo Vương lựa chọn làm đại bản doanh, sử dụng trận đồ “thủy bộ hợp thành, tiến thế công, thoái thế thủ” để chống quân xâm lược Nguyên Mông, đem lại chiến thắng lẫy lừng, giành lại độc lập cho dân tộc.
Đất nước thanh bình, không màng tới danh vọng, Hưng Đạo Vương đã về ở hẳn tại tư dinh Vạn Kiếp cho tới cuối đời. Tại đây, Ngài đã viết Binh gia diệu lý yếu lược và Vạn Kiếp tông bí truyền thư, đúc kết những kinh nghiệm đánh giặc giữ nước của một đời cầm quân truyền lại cho hậu thế.
Vì vậy có thể nói, Kiếp Bạc là nơi lưu giữ giá trị văn hóa, lịch sử lớn lao cho cả dân tộc.
Đến Côn Sơn-Kiếp Bạc vào thời điểm nào?
Bạn có thể đến tham quan Côn Sơn-Kiếp Bạc quanh năm, song hãy nên đến vào các dịp lễ hội để có cảm nhận rõ ràng, sắc nét hơn về giá trị lớn lao của 2 địa danh này.
Hội mùa xuân bắt nguồn từ kỷ niệm ngày mất của Trúc Lâm đệ tam tổ Huyền Quang.
Hội bắt đầu vào rằm tháng giêng, kết thúc vào 22 tháng giêng. Nay hội kéo dài suốt tháng giêng nhưng trọng hội vẫn vào ngày 18. Hội thuần tuý về tôn giáo. Các cụ bà đến đây tụng kinh niệm Phật, thanh niên leo núi du xuân. Buổi tối có các trò diễn dân gian vui nhộn bởi vậy, hội xuân tuy là hội chùa nhưng khách đến chủ yếu là thanh niên. Hội khá đông, mỗi năm có tới hàng chục vạn khách, tuy thế số khách sang Kiếp Bạc rất ít , chỉ bằng 1/5 khách của Côn Sơn.
Hội thu trùng với hội Kiếp Bạc, đây là một thứ hội kép, hội liên danh Côn Sơn – Kiếp Bạc, bởi hai di tích chỉ cách nhau 6km và đường qua lại khá thuận tiện.
Hội mùa thu bắt nguồn từ kỷ niệm ngày mất của Nguyễn Trãi (16/8).
Côn Sơn-Kiếp Bạc cách thủ đô Hà Nội khoảng 84 km nếu đi theo tuyến đường đi qua thành phố Hải Dương, còn nếu đi qua Bắc Ninh thì chỉ tầm khoảng 75 km. Hành trình đến Kiếp Bạc cũng khá đơn giản nếu bạn tự đi trải nghiệm. Còn nếu muốn được chăm sóc từ a đến z cho cả hành trình thì hãy để Doidepviettravel hỗ trợ bạn nhé!