Việt Nam với chiều dài lịch sử hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước đã trải qua nhiều thăng trầm. Cùng với sự thay đổi triều đại và tiến trình phát triển xã hội là sự xuất hiện các toà thành.

Cùng Doidepviettravel khám phá một số thành cổ nổi tiếng, gắn với những giai thoại lịch sử nổi bật của dân tộc nhé!

Hoàng thành Thăng Long

Hoàng thành Thăng Long có tiến trình lịch sử kéo dài trong suốt 13 thế kỷ và trải qua các vương triều phong kiến, từ thời Lý, Trần, Lê, Mạc đến thời Nguyễn và giai đoạn chống Pháp.
Trải qua nhiều lần xâm lược và tàn phá chiến tranh, hoàng thành Thăng Long ngày nay vẫn lưu giữ được những nét kiến trúc độc đáo. 
Có thể nói kiến trúc hoàng cung Thăng Long là một đỉnh cao của sự tiến bộ của kiến trúc đương thời lúc bấy giờ. Không chỉ có diện tích và quy mô to lớn, kiến trúc và trang trí nội thất bên trong còn rất nguy nga và tráng lệ thể hiện được sự quyền quý của quý tộc. Bên trong cung điện đều sơn son, cột điện thì vẽ các hình long, hạc, tiên nữ, các hoạ tiết trang trí mái, cửa đều được trạm trổ tinh xảo, tỉ mỉ, thể hiện sự điêu luyện trong tay nghề và khối óc tài hoa, bay bổng của các nghệ nhân thời bấy giờ.


Hiện nay, đến tham quan hoàng thành, bạn có thể chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc tiêu biểu sau:

Điện Kính Thiên

Nằm ở vị trí trung tâm, điện Kính Thiên là một trong những công trình quan trọng nhất của Hoàng thành. Công trình đã bị tàn phá do chiến tranh và biến đổi của thời gian, hiện còn sót lại rất ít chi tiết. Tuy nhiên, với hai đôi rồng chầu được điêu khắc, chạm trổ vô cùng tinh xảo trên nền điện đã phản ánh sự tráng lệ, uy nghiêm của điện Kính Thiên thời bấy giờ.

Đoan Môn

Đoan Môn chính là cánh cổng trong cùng dẫn vào khu vực Tử Cấm Thành. Đây là công trình vẫn còn duy trì được hiện trạng gần như hoàn chỉnh. Cổng được làm bằng đá, kết cấu hình chữ U với 3 cửa vòm đặc trưng. Trong đó hai cửa hai bên dành cho hoàng tộc và triều thần, chính giữa là lối đi dành riêng cho vua. Trên cùng là vọng lâu với nhiệm vụ bố trí lính canh giữ cổng. Hiện nay, nơi đây là địa điểm check in lý tưởng của nhiều du khách khi đến Hoàng thành Thăng Long nói riêng và Hà Nội nói chung.

Hậu Lâu

Hậu Lâu còn được biết đến với tên gọi khác là Tĩnh Bắc lâu (Lầu Tĩnh Bắc). Công trình này chính là tòa lầu nằm phía sau cụm kiến trúc của Điện Kính Thiên trong Hoàng thành Thăng Long. Với mục đích giữ gìn yên bình cho phía Bắc hành cung của thành cổ Hà Nội đồng thời cũng từng là nơi ở của hoàng hậu và các công chúa trong thời kì phong kiến.

Nhà Cách Mạng D67

Được xây dựng vào năm 1967, khu vực nhà D67 trong Hoàng thành Thăng Long từng là nơi việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đại tướng Văn Tiến Dũng. Tham quan nhà D67, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vật dụng quen thuộc như bản đồ, bàn ghế, điện thoại… của những thập niên 60, 70.. từ đó phần nào hồi tưởng lại quá khứ đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc.

Thành Cổ Loa

Thành Cổ Loa là tòa thành xuất hiện trong truyền thuyết cùng với nhân vật huyền thoại như thần Kim Quy với chiếc nỏ thần bắn một phát hạ hàng nghìn tên giặc. Nhắc đến thành Cổ Loa là nhắc đến câu chuyện vua An Dương Vương xây thành và câu chuyện tình bi thương Mỵ Châu-Trọng Thủy.

Cổ Loa là toà thành cổ nhất và có quy mô, cấu trúc lớn nhất, cũng là cấu trúc thuộc dạng độc đáo nhất trong số những thành cổ ở nước ta hiện nay.

Kết quả từ các cuộc khảo cổ cho thấy, nguyên liệu để xây dựng thành chủ yếu là đất, đá, gốm vỡ.

Đá được dùng để kè cho chân thành được vững chắc. Các đoạn thành ven sông, ven đầm được kè bằng các tảng đá lớn và đá cuội. Xen giữa đám đất đá là những lớp gốm được rải dày mỏng khác nhau, nhiều nhất là ở chân thành và rìa thành nhằm chống sụt lở. Kết cấu này làm nên sự vững trãi, chắc chắn cho toà thành dù nguyên liệu xây dựng còn thô sơ.
Thành được xây theo phương pháp đào đất đến đâu, khoét hào đến đó, thành đắp đến đâu, lũy xây đến đó. Mặt ngoài lũy dốc thẳng đứng, mặt trong thoải để đánh vào thì khó, trong đánh ra thì dễ. Lối kiến trúc này khiến Cổ Loa trở thành căn cứ kết hợp hài hòa thủy binh cùng bộ binh, tạo nên phòng thủ vững chắc để bảo vệ nhà vua, triều đình và kinh đô.

Cổ Loa Thành chính là minh chứng cho tinh hoa kiến trúc và nghệ thuật quân sự của thời đại này.
Dù các nguyên vật liệu thời kỳ này rất thô sơ, song với khối óc tài hoa, nhân dân ta thời bấy giờ đã xây dựng nên công trình to lớn, mang giá trị cao về cả mặt văn hoá, chính trị lẫn quân sự.

Thành nhà Hồ

Thành nhà Hồ được Hồ Quý Ly xây dựng vào năm 1397, còn được gọi là Tây Đô để phân biệt với Đông Đô (Thăng Long-Hà Nội). Nơi đây từng được coi là kinh đô, trung tâm văn hóa chính trị xã hội của nước Đại Ngu dưới triều Hồ.

Thành nhà Hồ tuy không phải là công trình cổ đại duy nhất ở nước ta làm từ đá, song kiến trúc, kết cấu và đặc biệt là kỹ thuật xây dựng của nó quả là “vô tiền khoáng hậu”.

Toàn bộ tường thành và bốn cổng chính được xây dựng hoàn toàn bằng những phiến đá vôi màu xanh, được đục đẽo tinh xảo, vuông vức, xếp chồng khít lên nhau mà không cần chất kết dính. Đây chính là minh chứng cho sự tài hoa, lỗi lạc của vị vua họ Hồ.
Trải qua biến động của thời gian và chiến tranh, đến nay thành nhà Hồ chỉ còn lại 4 bức tường thành. Bên cạnh phần di tích lộ thiên, các nhà khảo cổ đã tiến hành khảo cổ tổng thể di tích Đàn tế Nam Giao và khai quật trên diện tích hàng chục nghìn mét vuông khác.

Tại đây, họ đã phát hiện được hàng nghìn di vật với hoa văn trang trí và dạng kiến trúc thể hiện sự giao thoa, tiếp biến biến lịch sử của các thời Trần, Hồ và Lê sơ như sân lát gạch, các trụ chân tảng bằng đá, Giếng Vua…

Thành nhà Mạc-Lạng Sơn

Thành nhà Mạc Lạng Sơn có địa chỉ tại phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn.

Đây là di tích lịch sử, khu căn cứ quân sự kiên cố phản ánh lại kiến trúc thời kỳ phong kiến, chống lại xâm lược của ông cha ta vào thế kỷ XVII – XVIII.

Thành nằm ở vị thế khá quan trọng với thế dựa lưng vào 3 ngọn núi Tô Thị, Lô Cốt, Mạc Kính Cung cao tới hàng chục mét. Từng bức tường thành được xây kiên cố, lên cao vây kín một khoảng đất trống bằng phẳng hàng nghìn m2.

Hiện nay, thành nhà Mạc Lạng Sơn chỉ còn khoảng 300m2 đoạn tường được xây dựng kiên cố bằng những khối đá lớn giữa núi. Bức tường phía Tây Bắc có chiều 65m, chiều cao 4m bao gồm cửa công, lỗ châu mai và cửa ra vào được xây bằng đá hộc miết mạch có độ vững chắc tuyệt đối. 

Bức tường phía Đông cũng có kiến trúc tương tự với chiều dài 75m, 15 lỗ châu mai và có tới 7 cửa công được làm bằng những khối đá hộc miết mạch cực lớn gắn liền bằng mật mía và mật ong

Công trình sở hữu hệ thống bậc thang hiện đã nhuốm màu thời gian xưa cũ, trải qua hàng trăm năm nhưng nơi đây vẫn giữ được nét hoang sơ, phảng phất nét buồn của lịch sử thời bấy giờ, đồng thời cũng phản ánh kiến trúc của nền phong kiến Việt Nam ở thế kỷ XVII

Thành cổ Bắc Ninh

Thành cổ Bắc Ninh nằm trên 2 làng Hòa Bình – huyện Tiên Du và làng Yên Xá – huyện Yên Phong. Nay là hai phường lớn Võ Cường và Vệ An của thành phố Bắc Ninh.

Thành được khởi công xây dựng vào năm 1805 – năm Ất Sửu. Trải qua nhiều đời vua nhà Nguyễn, thành được tu bổ, sửa sang từ đất đá sang gạch đá và vẫn lưu giữ nhiều kiến thức hoành tráng cho đến ngày nay. 

Thành cổ Bắc Ninh là công trình kiến trúc hình lục giác đầu tiên. Chính với lối kiến trúc độc đáo ấy đã khiến thành được xếp vào top 4 ngôi thành đẹp nhất Bắc Kỳ.

Ngôi thành này được xây cao 9 thước, với tổng chu vi là 532 trượng 3 thước 2 tấn. xung quanh thành, còn có các hào rộng. Mỗi hào sâu 5 thước (2m), rộng 4 trượng (16m) và có cầu bắc ngang. .

Sâu bên trong thành là công trình thiết kế độc đáo với nhiều giá trị lịch sử như Đài Bác Vọng, Doanh trấn thủ, kho thuốc súng, súng thần công, nhà công đồng, các pháo đài kiểu vauban, cột cờ cao 17m… 

Bao quanh thành Bắc Ninh, nhà Nguyễn còn cho xây nhiều công trình như: Chuyển Văn Miếu từ Thị Cầu về xây ở đỉnh núi Phúc Sơn, tu bổ Đàn Khải Thánh; năm Minh Mệnh thứ 14 xây Đàn Xã Tắc ở Lỗi Đĩnh, Đàn Tiên Nông ở Y Na; năm Minh Mệnh thứ 18 dựng trường học ở Đỗ Xá, năm Minh Mệnh thứ 21 lập miếu Hội Đồng ở Lỗi Đĩnh; năm Thiệu Trị thứ nhất xây miếu Thành Hoàng cũng ở Lỗi Đĩnh.

Thành Bắc Ninh là công trình đồ sộ và kiên cố, đồng thời là trung tâm bộ máy hành chính cai trị của nhà Nguyễn ở tỉnh Bắc Ninh. Tại đây đã ra mắt nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của tổ quốc và của tỉnh. Thời nhà Nguyễn, Thành Bắc Ninh là trung tâm bộ máy cai quản hành chính hai tỉnh Bắc Ninh -Thái Nguyên.

Trong lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt Nam, thành cổ Bắc Ninh từng là một vị trí quân sự đặc biệt quan trọng, nằm trong tuyến phòng thủ phía Bắc, bảo vệ Thủ đô, ngăn chặn các đạo quân xâm lược trước cửa ngõ Kinh thành Thăng Long. Đây cũng là một trung tâm chính trị, quân sự, là lỵ sở của trấn Kinh Bắc (nay là tỉnh Bắc Ninh). Thành cổ Bắc Ninh cũng là nơi ghi dấu những sự kiện gắn với quá trình phát triển của tỉnh và phong trào cách mạng của tỉnh Bắc Ninh do Đảng ta lãnh đạo.

Trên đây là một số thành cổ lâu đời nhất tại Việt Nam, tìm hiểu để yêu thêm mảnh đất chữ S thân thương với những giai thoại lịch sử hào hùng bạn nhé!

ByThu Ha

Zalo
Điện thoại
Tin nhắn
Tin nhắn
Điện thoại