Với bề dày lịch sử hơn 4000 năm, kinh đô Việt Nam cũng được thay đổi theo từng tình hình thực tiễn qua các triều đại. Mỗi cố đô lại gắn với những sự kiện lịch sử cùng các công trình kiến trúc đặc trưng, phản ánh đời sống, văn hóa của dân tộc lúc bấy giờ. Vì lẽ đó, hành trình qua các cố đô Việt Nam trở thành lịch trình hấp dẫn cho những ai yêu thích lịch sử dân tộc.

Cùng Đôi Dép Việt Travel khám phá 4 cố đô nổi tiếng bậc nhất Việt Nam nhé!

1. Thành Cổ Loa- Hà Nội

Thành Cổ Loa là tòa thành xuất hiện trong truyền thuyết cùng với nhân vật huyền thoại như thần Kim Quy với chiếc nỏ thần bắn một phát hạ hàng nghìn tên giặc. Nhắc đến thành Cổ Loa là nhắc đến câu chuyện vua An Dương Vương xây thành và câu chuyện tình bi thương Mỵ Châu-Trọng Thủy.

Di tích thành Cổ Loa

Đây chính là di tích kinh thành của đất nước Âu Lạc từ thế kỷ 3 TCN và nhà nước của vua Ngô Quyền thế kỷ X SCN. Cổ Loa là toà thành cổ nhất và có quy mô, cấu trúc lớn nhất, cũng là cấu trúc thuộc dạng độc đáo nhất trong số những thành cổ ở nước ta hiện nay.

Sở dĩ có tên gọi Loa Thành vì thành được xây dựng theo kiểu vòng trôn ốc. Tương truyền rằng, thành cứ xây lên lại đổ, mãi tới khi có thần Kim Quy tới trợ giúp, An Dương Vương mới hoàn thiện được toà thành. Ban đầu có 9 vòng thành xoáy trôn ốc, tuy nhiên đến hiện tại chỉ còn lại 3 mà thôi.
Thành Nội chu vi 1600m, thành Ngoại chu vi 15km, hình dáng khúc khuỷu, bao gồm các công trình kiến trúc độc đáo như Giếng Ngọc,tượng Cao Lỗ, am Mị Châu,….gắn với truyền thuyết nỏ thần và câu chuyện tình bi thương Mỵ Châu-Trọng Thuỷ.
Kết quả từ các cuộc khảo cổ cho thấy, nguyên liệu để xây dựng thành chủ yếu là đất, đá, gốm vỡ.
Đá được dùng để kè cho chân thành được vững chắc. Các đoạn thành ven sông, ven đầm được kè bằng các tảng đá lớn và đá cuội. Xen giữa đám đất đá là những lớp gốm được rải dày mỏng khác nhau, nhiều nhất là ở chân thành và rìa thành nhằm chống sụt lở. Kết cấu này làm nên sự vững trãi, chắc chắn cho toà thành dù nguyên liệu xây dựng còn thô sơ.
Thành được xây theo phương pháp đào đất đến đâu, khoét hào đến đó, thành đắp đến đâu, lũy xây đến đó. Mặt ngoài lũy dốc thẳng đứng, mặt trong thoải để đánh vào thì khó, trong đánh ra thì dễ. Lối kiến trúc này khiến Cổ Loa trở thành căn cứ kết hợp hài hòa thủy binh cùng bộ binh, tạo nên phòng thủ vững chắc để bảo vệ nhà vua, triều đình và kinh đô.

Thành hào còn lại ngày nay

Cổ Loa Thành chính là minh chứng cho tinh hoa kiến trúc và nghệ thuật quân sự của thời đại này.
Dù các nguyên vật liệu thời kỳ này rất thô sơ, song với khối óc tài hoa, nhân dân ta thời bấy giờ đã xây dựng nên công trình to lớn, mang giá trị cao về cả mặt văn hoá, chính trị lẫn quân sự.
Qua nhiều biến động thăng trầm của lịch sử, Thành Cổ Loa vẫn sừng sững đến ngày nay, trở thành di tích quốc gia đặc biệt.

Thành Cổ Loa nay thuộc huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Cách trung tâm Hà Nội chỉ chừng 15 km, việc di chuyển tới Cổ Loa tương đối dễ dàng và thuận tiện cho bất kỳ ai muốn tới tham quan di tích này.

2. Cố đô Hoa Lư- Ninh Bình

Cố đô Hoa Lư

Cố đô Hoa Lư là quần thể di tích về kinh đô Hoa Lư của nước ta, hiện nay nằm phần lớn ở huyện Gia Lư tỉnh Ninh Bình, một phần khác nằm rải rác ở các huyện Gia Viễn, Nho Quan, Yên Khánh.
Nơi đây phong cảnh hữu tình với núi non trập trùng, mang ý nghĩa to lớn về mặt quân sự thời bấy giờ. Những núi đồi trùng điệp bao bọc xung quanh vòng đai kinh đô như tấm bình phong; sông Hoàng Long uốn khúc và cánh đồng Nho Quan, Gia Viễn mênh mông là hào sâu thiên nhiên rất thuận lợi về mặt quân sự. Đây cũng là lý do khiến Đinh Tiên Hoàng chọn nơi đây làm kinh đô.

Nhắc đến cố đô Hoa Lư là nhắc đến ba triều đại nhà Đinh, nhà Tiền Lê, nhà Lý, tính từ Đinh Tiên Hoàng cho đến Lý Thái Tổ với nhiều biến động lịch sử. Có lẽ do biến đổi thăng trầm với nhiều giai thoại mà cảnh sắc nơi đây trầm mặc, hoài cổ và phảng phất dư vị thời gian song vẫn toát lên vẻ uy nghi, oai linh của một đế đô hùng vĩ xưa kia.

Với bề dày lịch sử, quần thể di tích cố đô Hoa Lư bao gồm rất nhiều công trình hoàng gia: đền vua Lê Đại Hành, đền vua Đinh Tiên Hoàng, đền thờ Công chúa Phất Kim, chùa Nhất Trụ, phủ Vườn Thiên, chùa Kim Ngân, bia Câu Dền, chùa Cổ Am, phủ Chợ, hang Bim, chùa Duyên Ninh, sông Sào Khê và tường thành, nền điện dưới lòng đất…

Đền vua Đinh là công trình kiến trúc được trang trí bởi nhiều họa tiết chạm khắc tinh xảo trên cột gỗ, đá với hình rồng, mây, tiên nữ, hoa lá, v.v

Các hoạt tiết này toát lên sự phóng khoáng, mạnh mẽ, là những minh chứng rõ nét nhất thể hiện được sự tài hoa, khéo léo của những người nghệ nhân của thế kỷ 17.

Đền Vua Đinh

Đền vua Lê được xây dựng với ba tòa gồm Bái Đường, Thiên Hương thờ Phạm Cự Lượng – người có công giúp Lê Hoàn lên ngôi ngày trước. Các dấu tích để lại ngày nay đó là những mảng kiến trúc cổ được điêu khắc công phu và cả dấu tích của nền cung điện cũ với các món đồ gốm sứ cổ.

Các công trình này phản ánh văn hoá, kiến trúc và chính trị của một thời oai hùng dân tộc. Ngoài ra, cố đô Hoa Lư còn được biết đến với những ngôi đền, chùa kiến trúc độc đáo, bề thế như chùa Bái Đính, chùa Nhất Trụ, hay vẻ trầm mặc, tĩnh lặng của Phủ Khống, đền thờ Cao Sơn…

Chùa Bái Đính

Ninh Bình chỉ cách Hà Nội tầm 100km, rất thuận tiện cho việc đi lại tham quan. Đến đây để được đắm mình vào không gian tươi đẹp với những trang sử hào hùng của các triều đại phong kiến Việt Nam.

3. Thành nhà Hồ- Thanh Hoá

Thành nhà Hồ được Hồ Quý Ly xây dựng vào năm 1397, còn được gọi là Tây Đô để phân biệt với Đông Đô (Thăng Long-Hà Nội). Nơi đây từng được coi là kinh đô, trung tâm văn hóa chính trị xã hội của nước Đại Ngu dưới triều Hồ.

Thành nhà Hồ

Thành nhà Hồ tuy không phải là công trình cổ đại duy nhất ở nước ta làm từ đá, song kiến trúc, kết cấu và đặc biệt là kỹ thuật xây dựng của nó quả là “vô tiền khoáng hậu”.

Là kinh đô của nhà nước Đại Việt cuối Trần đầu Hồ, thành nhà Hồ- Tây Đô được xây dựng dựa trên những nguyên tắc cơ bản về địa thế, phong thủy, tiền án hậu chẩm đều có hình sông thế núi bao bọc. Thành tọa lạc ở vị trí giáp ranh đồng bằng và miền núi, cảnh quan đẹp, sông núi hài hòa, địa hình đa dạng tạo lợi thế về quân sự.

Toàn bộ tường thành và bốn cổng chính được xây dựng hoàn toàn bằng những phiến đá vôi màu xanh, được đục đẽo tinh xảo, vuông vức, xếp chồng khít lên nhau mà không cần chất kết dính. Đây chính là minh chứng cho sự tài hoa, lỗi lạc của vị vua họ Hồ.
Trải qua biến động của thời gian và chiến tranh, đến nay thành nhà Hồ chỉ còn lại 4 bức tường thành. Bên cạnh phần di tích lộ thiên, các nhà khảo cổ đã tiến hành khảo cổ tổng thể di tích Đàn tế Nam Giao và khai quật trên diện tích hàng chục nghìn mét vuông khác.

Tại đây, họ đã phát hiện được hàng nghìn di vật với hoa văn trang trí và dạng kiến trúc thể hiện sự giao thoa, tiếp biến biến lịch sử của các thời Trần, Hồ và Lê sơ như sân lát gạch, các trụ chân tảng bằng đá, Giếng Vua…

Với giá trị về mặt lịch sử, kiến trúc, năm 2021, Thành Nhà Hồ đã được Unesco công nhận là di sản văn hoá thế giới.
Thành Nhà Hồ toạ lạc xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá, cách trung tâm thành phố 45km, cách Hà Nội 140km. Tới tham quan để mục kích sở thị công trình “vô tiền khoáng hậu” và hiểu rõ hơn về vị vua xứ Thanh này nhé!

4. Cố đô Huế

Cổng Ngọ Môn cố đô Huế

Quần thể di tích Cố đô Huế nằm dọc đôi bờ Hương giang thuộc thành phố Huế và một vài vùng phụ cận thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là trung tâm văn hoá, chính trị, kinh tế của tỉnh, là cố đô của Việt Nam dưới triều nhà Nguyễn, từ 1802 đến 1945. Với những giá trị văn hoá, chính trị đặc sắc, biểu trưng của mình, quần thể di tích Cố đô Huế trở thành di sản văn hoá đầu tiên của Việt Nam được UNESCO ghi tên vào danh mục Di sản thế giới năm 1993.

Mạn Bắc sông Hương là hệ thống công trình tượng trưng cho quyền uy của 13 đời vua Nguyễn: Kinh thành, Hoàng thành và Tử cấm thành.
Ba toà thành được bố trí theo trục dọc xuyên suốt Bắc-Nam, cùng với núi Ngự, dòng Hương tạo nên bức tranh vừa nên thơ, trữ tình vừa uy nghi, tráng lệ.
Thành quách nơi đây là minh chứng cho sự giao thoa văn hoá phương Đông và phương Tây vô cùng hài hoà. Nó chắt lọc cái tinh tuý của kỹ thuật xây dựng trời Âu với kiến trúc cung đình Á Đông thời bấy giờ. Tiêu biểu như cổng Ngọ Môn, điện Thái Hoà, Tử cấm thành, lăng tẩm các vị vua triều Nguyễn…
Các công trình này đến nay hầu như còn nguyên vẹn, là lý do khiến Cố đô Huế trở nên sống động, chân thực, dễ cho người ta mường tượng nhất.

Điện Thái Hoà

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, Huế vẫn đẹp dịu dàng, mộng mơ mà vẫn trầm ấm, cổ kính, trang nghiêm-cái đẹp uy nghi của lầu son gác tía- cố đô vang bóng một thời. Trở thành điểm tham quan lý tưởng cho những ai yêu phong cảnh thiên nhiên hữu tình mà thích khám phá lịch sử.

Trên đây là 4 cố đô tiêu biểu của các triều đại phong kiến Việt Nam. Mỗi một địa danh có một kiến trúc đặc thù riêng, gắn với bản sắc văn hoá, chính trị của từng triều đại. Đôi dép Việt Travel hân hạnh cùng bạn ngược dòng thời gian, tìm về lịch sử hào hùng của dân tộc.

ByThu Ha

Zalo
Điện thoại
Tin nhắn
Tin nhắn
Điện thoại