Với 54 dân tộc anh em, Việt Nam là quốc gia có bản sắc văn hóa độc đáo. Với sự đa dạng,phong phú từ văn hóa xã hội đến tín ngưỡng tâm linh, các dân tộc Việt Nam đều thu hút số lượng lớn du khách quốc tế đến tham quan và trải nghiệm cuộc sống bản địa. Nếu thiên nhiên đất Việt mang đến cho du khách sự mãn nhãn về vẻ đẹp thì ẩm thực lại là linh hồn níu giữ chân họ. Đặc biệt là với những khu vực như Tây Bắc, Tây Nguyên… nơi sinh sống của đông đảo thành phần các dân tộc thiểu số.

Cùng Doidepviettravel điểm qua những món ăn “thần thánh”- tinh hoa đất trời được tạo ra từ bàn tay khéo léo của những người đồng bào dọc đất nước nhé!

1. Pa pỉnh tộp

Pa Pỉnh Tộp- Cá nướng có nguồn gốc từ người dân tộc Thái. Món cá nướng này sử dụng nguyên liệu là cá chép hay trôi, trắm hoặc một số loại cá suối khác. Cá được làm sạch ruột, mang, nhưng để lại lớp vảy, ướp cùng mắc khén và mầm măng cây sa nhân tạo vị cay tê độc đáo . Cá được kẹp vào thanh tre tươi, nướng trên than củi liu riu chừng 30 phút. Khi cá chín cho lớp ngoài vàng rụm, giòn tan mà bên trong vẫn tươi ngon, ngọt vị cá tự nhiên.

Pa pỉnh tộp chấm chẩm chéo siêu ngon

Món ăn dân dã này qua cách chế biến và nguyên liệu ướp đặc sắc đã tạo nên hương vị đặc biệt, trở thành món ăn tiếp đãi khách quý cho người đồng bào nơi đây.

2. Rêu đá nướng

Không chỉ là món ăn ưa chuộng của người Thái, rêu đá nướng còn là món ăn vào mỗi dịp lễ tết của người Tày và một số dân tộc khác ở vùng núi Tây Bắc.

Rêu để chế biến ở đây là loại rêu mọc ở bờ đá bên các con suối. Người dân sẽ thu lượm rêu khi nó màu xanh, nếu chuyển sang màu trắng sẽ không thể ăn được nữa. Sau khi rêu được làm sạch, loại bỏ tạp chất sẽ được đặt lên thớt, dùng chày đập đều tay. Sau đó đem cắt khúc, ướp cùng muối, ớt, gừng, sả, lá chanh… rồi bọc vào lá chuối, nướng trên than hoa hoặc vùi vào tro bếp. Rêu nướng thơm nồng gia vị, đượm vị cay, ăn cùng xôi hay cơm lam vào những ngày se lạnh quả là thú vị.

Rêu nướng

Món ăn thể hiện sự khéo léo trong chế biến, là sự tinh tế trong kết hợp hài hòa giữa các gia vị đồng thời thể hiện sự chịu thương, chịu khó, biết lựa chọn, tận dụng nguyên liệu thiên nhiên làm thực phẩm dù trong điều kiện sống khắc nghiệt của đồng bào Tây Bắc.

3. Cơm Lam

Cơm Lam cũng là món ăn tiêu biểu của đồng bào Thái, Tày,Nùng, Mường…. ở phía Bắc và cũng là món ăn thường nhật của người Cơ tu, Quảng Nam. Từ những cánh đồng ruộng bậc thang quanh co, uốn lượn, qua đôi tay khéo léo gieo mạ, vun trồng đã cho ra đời những hạt gạo nương dẻo ngon, thơm ngọt. Gạo nương được ngâm trước một vài tiếng bằng nước suối, sau đó được bỏ vào các ống tre, nứa, giang… gọi là ống lam cùng một chút muối cho đậm đà. Ống lam phải là ống cây còn tươi, non và còn lớp màng để ngăn không cho nước thoát ra ngoài và mang lại hương vị đặc trưng cho món cơm.

Cơm lam

Cơm lam xuất hiện trong các bữa cơm thường nhật, trong cả những ngày lễ tết, đồng hành cùng bà con khi lên rừng, trèo đèo, lội suối… trở thành đặc trưng ẩm thực vùng núi không thể nhòa lẫn.

4. Thắng cố

Thắng cố là món ăn truyền thống của người dân tộc H’Mông, rất nổi tiếng ở Sapa và Hà Giang. Từ một món ăn truyền thống lâu đời của người H’Mông trong các ngày lễ quan trọng hay chợ phiên, thắng cố dần được khách du lịch biết đến trở thành một đặc sản được khách thập phương tìm kiếm để thưởng thức mỗi khi đến với mảnh đất này. 

Thắng cố

Ban đầu, thắng cố được chế biến chủ yếu từ thịt và nội tạng ngựa, về sau, nguyên liệu món ăn được đa dạng hóa hơn, có thể dụng trâu, bò, lợn…

Thịt, nội tạng, xương… sau khi được sơ chế sẽ được ninh nhừ cùng 12 loại thảo mộc đặc núi rừng như thảo quả, quế, hồi… tạo nên hương vị đặc biệt của món ăn. Thắng cố với thịt mềm nhừ, lật sật giòn rụm của dạ dày, nước canh ngọt vị xương, mùi hương ngai ngái của phần ruột non hòa với hương thảo mộc ngũ vị. Mới hớp một chút thấy lạ lạ, có phần không quen, nhưng nếm từng chút, từng chút một lại thấy món ăn đưa đẩy vô cùng. Trong những ngày xuân, dưới cái lạnh giá của nứi rừng Tây Bắc, ngồi nhâm nhi chén rượu ngô bên nồi thắng cố quả khiến người ta say mê.

5. Zơ zá

Zơ zá là món ăn đặc trưng của người Cơ Tu.

Để làm zơ rá, phụ nữ Cơ Tu phải hái lượm các loại cây, củ như đọt mây rừng, cây rau dến, bắp chuối rừng; cá suối, con sóc, con chuột… bắt ở rừng. Kèm theo là những quả cà, củ sắn trồng trên rẫy, lại còn có thịt khô từ heo rừng hay thịt nai. Không thể thiếu được là gạo nếp, ớt, muối và những hạt tiêu rừng. Tất cả nguyên liệu được cho vào các ống tre lồ ô ở rừng. Các ống này phải không già, không non, già quá thì khi nướng ống lồ ô sẽ bị nứt, non quá thì sẽ bị teo đi khi lửa nóng. Ống lồ ô phải có phần nước tự nhiên bên trong để khi nướng zơ zá lên sẽ vừa giữ được vị của các nguyên liệu lại có cái mùi thơm nhẹ dịu của nước tre rừng.

Nguyên liệu làm zơ zá

Zơ rá là món thức ăn được làm trong các lễ hội của cộng đồng như lễ đâm trâu, dựng làng mới, gươl mới, mừng cơm mới… và ở các lễ nghi quan trọng của gia đình như làm nhà, cưới hỏi, khi gia đình có khách… trở thành đặc sản của đồng bào Cơ Tu.

6. Măng nướng xào “vêch” bò

Người dân Ê Đê ở Tây Nguyên rất nổi tiếng với món măng nướng xào “vêch” bò. Đặc biệt, họ chỉ thết đãi món ăn này cho những vị khách mà họ quý mến.

Măng nướng cho hương vị đặc trưng

Măng được chọn là măng le, loại măng ngon nhất, đồng thời hiếm nhất so với các loại măng khác của núi rừng. Thay vì luộc hay xào, cây măng sẽ được nướng trực tiếp trên bếp củi cho đến khi chín đều bên trong, người Ê Đê sẽ tách vỏ, lấy phần măng non bên trong rửa sạch và vắt ráo nước. “Vêch” bò ở đây là lòng, phèo bò, được sơ chế cẩn thận để loại bỏ hết mùi hôi rồi mới đem xào với măng đã nướng thơm. 

Măng xào với “vêch” bò khi ăn vào có vị hơi đăng đắng đầu lưỡi, nhưng nhai kĩ lại thấy cái giòn giòn của “vêch” lẫn với vị ngọt vô cùng đặc trưng của măng rừng khiến người ta gật gù tán thưởng.

7. Các món bánh dân tộc Khmer

Xuôi về phương Nam, đến với những vùng có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, du khách phương xa chắc chắn sẽ bị hấp dẫn bởi những món bánh đặc trưng của đồng bào Khmer, bánh gừng, bánh ống, bánh nùm bon, bánh cóng… Các món bánh này đều được làm từ những nguyên vật liệu thông dụng như gạo nếp, đậu, thịt, dừa… song qua bàn tay khéo léo của người Khmer đã hình thành nên những món bánh có hương vị đặc biệt, thơm ngon, ngọt dịu mà không hề bị gắt, lại vô cùng bắt mắt.

Với món bánh gừng,  người Khmer sẽ đánh cho trứng gà bông lên rồi trộn chung với bột nếp thành hỗn hợp bột dẻo. Sau đó, bột sẽ đem nặn thành hình củ gừng và đem chiên trong chảo dầu nóng sôi. Bánh gừng sau khi chiên vàng sẽ được nhúng vào bát nước đường trắng đã được thắng thành chất dẻo, tạo lớp áo mỏng ngoài vỏ bánh, sau đó đem phơi nắng bánh để chiếc bánh không bị cong queo. Bánh gừng có vị bùi từ bột, ngọt từ đường và thơm béo của trứng, cắn vào thấy giòn tan ngay trong miệng.

Bánh gừng

Bánh cóng cũng được làm từ bột gạo nếp xay nhuyễn song được trộn với nước lá dứa, đường thốt nốt và nước cốt dừa. Để làm bánh, người Khmer cho bột gạo vào trong khuôn bánh hình trụ, ở giữa là que tre, một đầu được gắn miếng thiếc hình tròn làm đáy. Sau đó, ống bánh được đặt thẳng đứng trong nồi, hấp cách thủy khoảng 2 phút. Khi bánh chín, kéo chiếc que tre và đưa nhẹ bánh lên sẽ được bánh có hình ống, màu xanh nhạt, thơm hương lá dứa. Để bánh ống hấp dẫn hơn, người ta rắc thêm chút dừa nạo sợi và vừng hay lạc rang giã nhỏ bên ngoài. Bánh thường được ăn lúc còn nóng để cảm nhận hết vị ngọt mát và béo ngậy của dừa, của vừng hòa quyện trong hương lá dứa.

Trên đây là những món ăn tiêu biểu của đồng bào thiểu số dọc theo chiều dài đất nước. Không một ngôn từ nào có thể diễn đạt hết hương vị và ý nghĩa mà các món ăn mang lại. Hãy đến tận nơi để có trải nghiệm chân thực nhất bạn nhé!

ByThu Ha

Zalo
Điện thoại
Tin nhắn
Tin nhắn
Điện thoại